Canvedo's Blog

Nhật ký mở…

[Ảnh]Tháp Bánh Ít-tháp Bạc

“Từ trời xanh
Rơi
Vài giọt tháp Chàm”
Câu thơ tuyệt hay của đại thi sĩ Văn Cao là một cảm nhận sâu sắc và chính xác về các ngọn tháp Chàm. Ưu tư trầm mặc, dù thời gian có ào ạt vụt qua, vật đổi sao dời, nhưng vẫn đâu đó ở Nam Trung Bộ, những ngọn tháp sừng sững với thời gian nhưng minh chứng cho một nền văn hóa từng huy hoàng nơi đây.
Một chiều lãng đãng, một mình phóng xe lên tháp, lặng ngắm, thời gian như ngưng đọng, dầu dưới kia tuyến đường huyết mạch vẫn ầm ào xe cộ, công trường mở đường mù mịt bụi và tiếng ồn. Ngắm hoàng hôn chầm chậm trôi qua tháp, một phong cảnh cô liêu mà tuyệt đẹp…
“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Đền cũ lâu đài bóng tịch dương”

“Click vào hình để xem toàn album”
Tháp Bánh Ít//embedr.flickr.com/assets/client-code.js

Tháng Mười 14, 2015 Posted by | Quê hương | 1 bình luận

Cờ Người ở đất Thành

Cờ Người thường được tổ chức vào ngày Tết, khắp nơi trên đất nước Việt Nam đều có. Nhưng mỗi nơi lại có các sắc thái khác nhau. Những tấm ảnh này được chụp tại An Nhơn-Bình Định, nơi mệnh danh là Đất Võ, nên mỗi quân cờ là một võ sinh, khi các quân cờ tiêu diệt nhau là một màu tỉ thí võ thuật đẹp mắt của 2 quân cờ. Có 2 cái đài dựng thật cao cho 2 kỳ thủ đấu trí, dưới sân là các quân cờ nghe lệnh mà tiến lùi.
12698851074_60f120f666_z

Tiếp tục đọc

Tháng Hai 20, 2015 Posted by | Quê hương | , , , | Bình luận về bài viết này

Linh tinh về người Cambodia

“Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn”- Winston Churchill
Những ngày gần đây, người ta ồn ào chuyện người Cambodia(Cam) kết thân với Trung Quốc trong cục diện Biển Đông, gán ghép cho họ cái tính truyền thống “Phản phé”. Thế nhưng có mấy ai chịu hiểu câu nói của Churchill, vả lại xưa nay cách sống uyển chuyển khôn khéo luôn là lựa chọn của các quốc gia nhược tiểu khi bị kẹt  giữa nhiều thế lực mạnh mẽ hơn.
Kể từ khi Đại Việt định được hình chữ S (tk thứ 18), Cambodia bị kẹt giữa 2 thế lực Đông (Việt Nam) và Tây (Thái Lan), 2 vương quốc này gia tăng áp lực liên tục, làm người Cam lúc thì xưng thần với Đông, lúc lại hàng về Tây. Nhất là đầu thế kỷ 19, Đại Nam và Xiêm lại mở ra cuộc chiến tổng lực càng đi quét lại Cambodia khi đó là Chân Lạp, tất nhiên mỗi bên có những đồng minh người Cam của riêng mình, cuối cùng người Việt độc chiếm được và đổi ra Trấn Tây Thành do Trương Minh Giảng đứng đầu. Tuy cái giấc mộng của vua Minh Mạng không thành nhưng nó là cái ứng số nghiệt ngã cho Cambodia, sau khi Việt Nam thoát khỏi nền đô hộ Pháp thì Cambodia cùng Lào luôn luôn dính vào cuộc 3 chiến tranh Việt Nam, mà thế giới gọi là Chiến Tranh Đông Dương 1, 2, 3.
Nhắc lại lịch sử một chút để chúng ta thấy rằng người Cambodia khao khát sự “thoát Việt”, không kém gì ước mong “thoát Tàu” của ta.

Tiếp tục đọc

Tháng Năm 21, 2014 Posted by | Lịch sử-Quân sự-Chính trị, Những người nổi tiếng, Quê hương, Uncategorized | Bình luận về bài viết này

Vô đề

01- Bốn chiến hạm của VNCH tham dự hải chiến Hoàng sa 1974

Vài câu thơ viết vội, nén hương lòng cho anh linh các Anh nằm lại Hoàng Sa trong trận hải  chiến 1974.

Bốn mươi năm, anh hóa thân trong sóng biển

Vẫn gầm gào nỗi uất hận Hoàng Sa

Trận hải chiến vinh quang mà khốc liệt

Lửa dựng trời, lưu tích mãi Hoàng Sa.

Dẫu hiểm nguy quyết đền nợ sông núi,

Đem thân trai chặn đứng những mưu đồ

Việt Nam ơi! khi vang lời kêu gọi

Những người trai lấy máu vẽ hải đồ!

Canvedo, Sài gòn ngày 19/01/2014

Tháng Một 19, 2014 Posted by | Thơ văn cho Biển Đảo | Bình luận về bài viết này

THÁNG BẢY…

Tháng Bảy
nhiều gió quá
những ngã tư còi hụ ầm ào
những đoàn xe trống rong cờ mở
về đền ơn đáp nghĩa ở quê mình

tháng Bảy
những người lính lặng im
buồn hơn cả chiến tranh
những viên đạn xa từ 40 năm
của người Việt bắn vào người Việt
bốn mươi năm không ngày nào không nhắc

Tiếp tục đọc

Tháng Bảy 28, 2012 Posted by | Thơ văn cho Biển Đảo | Bình luận về bài viết này

THẾ HỆ HÈN NHÁT

Chắc các chú, các anh sẽ buồn khi thấy
Những đứa con chỉ biết đọc tiểu thuyết diễm tình và nghe KPop
Ưa mặc váy ngắn, áo hai dây, quần jean thủng lỗ và ngả ngớn trên xế hộp
Lắc quay, quay lắc trong bar
 
Bao nhiêu lần dành ánh mắt thiết tha
Không phải cho bà cụ nhặt ve chai, hay ông già bán vé số
Cho cô bé mười hai đang run lên trước đôi dày búp bê trên phố
Mà đắm đuối dành cho thần tượng nhạc Hàn phương xa
 
Một thế hệ thờ ơ với tiếng chim ngân nga
Từ chối bầu trời xanh, tiếng đàn bầu, lời mẹ ru và cả miếng trầu của ngoại
Nhiều lúc cong môi lên vì quen nhạo nhái
Âm thanh rên rỉ của người đàn bà nghèo bế đứa con chột mắt ngả nón chờ nơi góc ngã tư
 
Chắc các chú, các anh sẽ lắc đầu trước vô vàn thói hư
Trước sự vô tâm của một thế hệ chỉ quen đòi hỏi, đón nhận và hưởng thụ
Đứng trước lá cờ Tổ Quốc đang chảy máu từng giây, từng phút, từng giờ kia ai trong chúng em dám mở lòng tự thú
Sự hèn nhát, thói vị kỉ đã góp một phần cho kẻ thù cắt xén hình hài chữ S thân thương
 
Đối lập với đứa trẻ được chăm bẵm, ươm mầm dưới mái nhà và những ngôi trường
Là đứa trẻ không cha, không mẹ ôm lá cờ với sao vàng năm cánh tung hô vào những ngày chủ nhật
Ngày lễ đẫm lệ, ngày chủ nhật cho cả thế hệ em biết rằng lâu nay mình đánh mất
Chí khí hào hùng, bất khuất của con Lạc cháu Rồng…
 
Hôm nay khi nghe tin máu lênh loáng ở biển Đông
Những chiến sĩ, những chú, những anh đang hòa mồ hôi, nước mắt, máu nóng xuống đại dương xanh ngắt
Ai trong thế hệ hèn nhát dám nhìn, dám nói thật
Dám trút bỏ lốt đê hèn để gồng gánh Giang Sơn
 
Ở ngút ngàn biển xanh có triệu mắt căm hờn
Đang nhìn về đất liền nơi thế hệ hèn nhát đang giả tạo sống và quên đi quá khứ, tương lai, hiện tại.

Theo blog Nồng nàn phố

Tháng Bảy 28, 2012 Posted by | Thơ văn cho Biển Đảo | Bình luận về bài viết này

THÁNG BA, NGÀY 14, VIỆT NAM ƠI!

THÁNG BA, NGÀY 14, VIỆT NAM ƠI!

Tháng Ba

Mùa Xuân chở mây ra khơi xa

Nước xanh như màu mây ấy

Biển thét gào nỗi đau sống dậy:

64 linh hồn uất nghẹn

Gạc Ma!

  Tiếp tục đọc

Tháng Ba 14, 2012 Posted by | Thơ văn cho Biển Đảo | Bình luận về bài viết này

HOÀNG SA NỘ KHÍ PHÚ

Trần Văn Giang (Sưu tầm)

Ngựa cũ quen đường,
Đĩ già lậm nết.
Việc phế hưng mỗi thuở khác nhau,
Mộng bá chủ bao đời y hệt!
Ta thấy ngươi,
Từ Đông Chu bị họa Thất Hùng,
Đến Hậu Hán bị xiềng Tam Quốc.
Đất Trường An thây chất chập chùng,
Bờ Vô Định xương phơi chất ngất!
Đã biết,
Hễ gieo chinh chiến là kín đất đau thương,
Nếu động can qua thì mịt trời tang tóc.
Vậy mà sao,
Chẳng lo điều yên nước no dân,
Lại quen thói xua quân chiếm đất?
Như nước ta,
Một dải non sông, nam bắc chung giềng,
Trăm triệu anh em, trước sau như nhất.
Hoàng Liên, Tam Đảo, Hồng Hà, Cửu Long , là máu là xương,
Phú Quốc, Côn Sơn, Trường Sa, Hoàng Sa là da là thịt.
Máu xương đâu lẽ tách rời,
Thịt da dễ gì chia cắt?
Mà là liền tổ quốc phồn vinh,
Mà là khối giang sơn gấm vóc.
Người trăm triệu nhưng vốn một lòng,
Tim một trái dẫu nhiều sắc tộc!
Nữ nhi chẳng thiếu bậc anh hùng,
Niên thiếu cũng thừa người kiệt xuất.
Mười năm phục quốc, gươm Lê Lợi thép vẫn sáng ngời,
Ba lượt phá Nguyên, sông Bạch Đằng cọc còn nhọn hoắt.
Thùng! Thùng! Thùng! Liên hồi giục, trống Ngọc Hồi hực bước tiến quân.
Đánh! Đánh! Đánh! Luôn miệng thét, điện Diên Hồng, vang lời sát thát.
Ải Chi Lăng, Liễu Thăng chết còn lạc phách kinh hồn,
Sông Nhị Hà, Sĩ Nghị chạy còn đứng tim vỡ mật.
Thoáng thấy vó câu Thường Kiệt, Khâm Châu ngàn dặm, không còn bóng quỉ bóng ma,(1)
Chợt nghe tiếng sét Đống Đa,Quảng Đông toàn tỉnh chẳng tiếng con gà con vịt. (1)
Hùng khí dù dậy trời Nam,
Nghĩa nhân lại tràn đất Bắc:
Thương ngươi binh bại, tàn quân về còn cấp xe ngựa rình rang (2)
Trọng kẻ trung can, hổ tướng chết vẫn được khói hương chăm chút.(3)
Mạc Cửu đem quân lánh nạn, chúa ta vẫn mở dạ đón người,
Hoa kiều mượn đất ở nhờ, dân ta vẫn chia cơm xẻ thóc.
Phúc cùng hưởng khi mưa thuận gió hòa,
Họa cùng chia lúc sóng vùi gió dập.
Giúp các ngươi như kẻ một nhà,
Thương các ngươi như người chung bọc!
Thế mà nay,
Ngươi lại lấy oán trả ơn,
Ngươi lại lấy thù báo đức!
Ăn đàng sóng, nói đàng gió, y như đĩ thúi già mồm.
Lộn bề ngược, tráo bề xuôi, khác chi điếm già bịp bạc.
Kéo neo tuần hạm, ào ào đổ bộ Hoàng Sa,
Quay súng thần công, ầm ỉ tấn công Đá Bắc.
Chẳng chấp hải qui,
Chẳng theo công ước.
Quen nết xưa xấc láo, giở giọng hung tàn,
Lậm thói cũ nghênh ngang, chơi trò bạo ngược.
Nói cho ngươi biết; dân tộc ta:
Từng đánh bọn ngươi chỉ với ngọn giáo dài,
Từng đuổi bọn ngươi chỉ bằng thanh kiếm bạc.
Từng đánh Tây bằng ngọn tầm vông,
Từng đuổi Nhật với thanh mác vót!
Vì khát tự do mà uống nước đìa,
Vì đói độc lập mà ăn cơm vắt.
Sá chi tóc gội sa trường,
Đâu quản thây phơi trận mạc.
Hãy liệu bảo nhau,
Nhìn thây Gò Đống mà liệu thắng liệu thua,
Thấy cọc Bạch Đằng mà nghĩ sau nghĩ trước!
Đừng để Biển Đông như Đằng Giang máu nhuộm đỏ lòm,
Đừng để Hoàng Sa là Đống Đa xương phơi trắng xác!
Nếu ngươi dựa vào hỏa tiển, phi cơ,
Thì ta cũng có tuần dương, đại bác.
So vũ khí, thì kẻ nhược người cường,
Đọ trái tim, coi ai gang ai sắt?
Thư hãy xem tường,
Hoàng Sa hạ bút.
K.T.L.

Chú thích:
(1) Sử ghi: Khi Lý Thường Kiệt đem quân qua Khâm Châu, Liêm Châu, cũng như khi quân Thanh bại trận Đống Đa chạy về, thì dân Tàu vùng biên giới kinh hoàng chạy theo. “Từ Nam Quan về bắc hàng trăm dặm vắng tanh, không thấy bóng con gà, con vịt”
(2) Sự kiện Lê Lợi cấp ngựa và lương thực cho tù binh quân Minh về nước
(3) Sự kiên dân ta lập miếu thờ Sầm Nghi Đống hạ tướng của Tôn Sĩ Nghị)

Tháng Sáu 29, 2011 Posted by | Thơ văn cho Biển Đảo | 1 bình luận

Tầm quan trọng của sự Phát ngôn lòng yêu nước

Hôm trước có người hỏi tôi trên 1 diễn đàn thế này:

“Ngồi phát ngôn liệu có ích gì không mọi người? Phát ngôn mà có thể thay đổi càn khôn thì ắc hẳn nhiều người đã làm rồi!! Thế giới này hiện tại đang bình ổn? Và sự nghênh ngang của Trung Quốc liệu có hơn Pháp vào năm 1945?

Đánh địch cũng cần phải có lúc nhu lúc cương chứ đâu phải lúc nào cũng rầm rầm là giỏi!!”

Tôi xin trả lời trên Blog của mình:

Phát ngôn cũng có cái thế mạnh của nó, chẳng phải nó càng hun đúc nên tinh thần yêu nước, khuyến khích mọi người dân Việt xích lại gần nhau hơn, cổ võ mạnh mẽ mọi người hơn sao? trong chiến tranh những người ở hậu phương cũng chỉ phát ngôn thôi đó sao, phát ngôn thì bằng nhiều cách, bằng ngôn từ bằng thơ ca, lời ca tiếng hát, bằng hành động… chẳng phải nó cũng là 1 động lực to lớn cho người tiền tuyến sao?

Phát ngôn của một nhóm người k0 thay đổi được gì, nhưng phát ngôn của cả dân tộc thì cũng có thể làm nên chuyện lớn, còn phát ngôn của cả loài người thì cũng đổi được Càn Khôn chứ.

Tiếp tục đọc

Tháng Sáu 2, 2011 Posted by | Lịch sử-Quân sự-Chính trị, Quê hương | 4 bình luận

Hoàng Sa ơi…

Hoàng Sa ơi! Đảo Hoàng Sa ơi!
Một mảnh giang sơn đã mất rồi
Ta như mất cả phần da thịt
Tổ Quốc còn đau một góc trời

Vẫn nhớ Hoàng Sa! Ôi Hoàng Sa!
Trận chiến năm xưa máu lệ nhoà?
Sao không giăng trận cầu phao cũ
Chôn xác quân thù, trận Đống Đa

Hoàng Sa! Hoàng Sa! Ta vẫn đau
Biển như còn đỏ máu loang mầu
Máu ai thấm giữa lòng hải đảo
Xương trắng ai chìm giữa biển sâu?

Hoàng Sa! Hoàng Sa! Đã mấy trăng?
Sao không là sóng dậy Bạch Đằng!
Sao không báu kiếm, lời Sát Đát!
Sao sóng muôn trùng không thét vang?

Một mảnh cơ đồ giữa biển khơi
Ta con chim lạc cuối chân trời
Còn mơ Vạn Kiếp chôn thây giặc
Hoàng Sa đâu rồi, Hoàng Sa ơi

Hoàng Sa dưới bóng cờ Bắc phương
Giang sơn oan uất giữa bạo cường
Sóng nước ầm vang lời tủi hận
Hào kiệt đâu rồi? Hay khói sương

Huyền sử oai hùng, hay bãi hoang?
Hoàng Sa từng lớp sóng oai hùng
Hồn oan tử sĩ Nam quân vẫn
Theo dấu quân thù, theo dấu trăng!

Tổ Quốc còn đau mỗi mùa xuân
Âm ba hải chiến dậy sóng hờn
Xung phong! Hải kích bên bờ nước
Từng rặng san hô loang máu vương.

Hoàng Sa! Hoàng Sa! Mảnh trăng rơi
Một mảnh giang sơn, một mảnh đời
Một mái tóc xanh sầu điểm bạc
Tổ Quốc kêu gào! Hoàng Sa ơi!

Nguồn:  Trương Thái Du blog

Tháng Năm 31, 2011 Posted by | Thơ văn cho Biển Đảo | Bình luận về bài viết này